Phương Pháp Montessori Ngày Nay
- Giới ThiệuPhương Pháp Montessori Ngày Nay
- Chương 01 Nguồn Gốc Lý Thuyết Giáo Dục MontessoriPhương Pháp Montessori Ngày Nay
- Chương 02 03 Khai Quật Những Năm Đầu ĐờiPhương Pháp Montessori Ngày Nay
- Chương 04 Bài Học Lớn Bài Học NhỏPhương Pháp Montessori Ngày Nay
- Chương 05 06 Môi Trường Lớp HọcPhương Pháp Montessori Ngày Nay
- Chương 07 Tự Do Và Trách NhiệmPhương Pháp Montessori Ngày Nay
- Chương 08A Những Quan Sát Một Lớp Tiểu HọcPhương Pháp Montessori Ngày Nay
- Chương 08B Những Quan Sát Một Lớp Tiểu HọcPhương Pháp Montessori Ngày Nay
- Chương 09 Giai Đoạn Trưởng ThànhPhương Pháp Montessori Ngày Nay
- Chương 10 (Hết) Montessori Hiện Tại Tương LaiPhương Pháp Montessori Ngày Nay
Giới thiệu
Thành công của triết lý Montessori dựa trên việc thấu hiểu rằng việc giáo dục trẻ phải được xem xét một cách toàn diện ngay từ lúc bắt đầu. Mục tiêu và phương pháp giáo dục ở từng độ tuổi phải hài hòa với nhau làm thành một tổng thể gắn kết, từ lúc trẻ chào đời cho đến khi trưởng thành.
Cuốn sách cũng trình bày về Montessori như một phương án giáo dục nhất quán, đi cùng quá trình phát triển của trẻ từ giai đoạn này đến giai đoạn khác, với quan điểm rằng giai đoạn sau phải kế thừa được giai đoạn trước đó. Mục tiêu của giáo dục ở từng độ tuổi là nhằm hỗ trợ cho quá trình phát triển liên tục này ở mỗi trẻ em.
Bản thân tác giả cuốn sách cũng là đồng sáng lập một trường Montessori thành công tại Lake Bluff, Illinois (Mỹ), do đó bà có cơ hội quan sát, ghi nhận và viết ra cuốn sách hữu ích này. Chương 1 trình bày một cách ngắn gọn về nguồn gốc và lý thuyết giáo dục Montessori. Những phụ huynh chủ yếu quan tâm đến việc áp dụng triết lý này thế nào trong lớp học hằng ngày có thể đọc thẳng vào những chương sau và trở ngược lại chương này mỗi khi cần tham khảo thông tin nền tảng nào đó.
Chương 2 khái quát về triết lý Montessori cho tuổi tuổi tiểu học.
Phần chính của cuốn sách này tập trung chủ yếu vào giai đoạn tiểu học của trẻ, được trình bày từ Chương 3 đến Chương 8. Đây sẽ là lần đầu mà lý thuyết cũng như cách thực hành phương pháp Montessori cho trẻ tiểu học được trình bày một cách chi tiết cho những người không thuộc giới chuyên môn. Chương 9 mô tả ngắn gọn những ý tưởng về áp dụng Montessori ở trường trung học và đại học. Dụng ý của chương này là nhằm giúp các bậc phụ huynh hình dung con mình sẽ ở đâu sau khi kết thúc hành trình giáo dục tiểu học và tiên liệu trước các nhu cầu khi con bước vào giai đoạn vị thành niên và chớm trưởng thành. Chương 9 khái quát lại toàn bộ tầm nhìn của triết lý Montessori, gồm cả phần trình bày về những điểm mạnh của người trẻ và những mục tiêu cần đạt được suốt những năm tháng của giai đoạn chớm trưởng thành rất quan trọng này.
Chương cuối cùng mô tả về vị trí của phương pháp giáo dục Montessori ở nước Mỹ ngày nay và những đóng góp tiềm tàng của nó cho tương lai. Trong chương này cũng phác họa về vai trò của trường tự chủ và trường chuyên trong việc lan tỏa triết lý Montessori vào các trường công lập, cũng như sự phát triển của những trường Montessori độc lập.
Nhà giáo dục Maria Montessori đã đưa ra kế hoạch cho độ tuổi tiểu học trên giả thiết rằng ở giai đoạn phát triển này trẻ đã có khả năng “tự đào luyện mình” nhờ được dạy dỗ theo phương pháp Montessori ở sáu năm đầu đời. Các bậc phụ huynh vì vậy có thể lo lắng rằng con họ sẽ chẳng được hưởng lợi mấy ở một trường tiểu học Montessori nếu như trước đó trẻ không theo học ở một trường mầm non theo phương pháp này. Thật may mắn là điều này sẽ không xảy ra. Các giáo viên Montessori, cũng như những giáo viên giỏi ở bất kỳ nơi đâu, sẽ đón nhận trẻ ở bất kỳ điểm xuất phát nào và làm tất cả những gì cần thiết để giúp các em phát triển.Trên thực tế là các giáo viên Montessori còn có lợi thế hơn, bởi phương pháp này cho phép sự linh hoạt và sự quan tâm đến từng cá nhân học sinh ở mỗi độ tuổi.
Ở một khía cạnh khác, lợi thế của những trẻ em được dạy dỗ theo phương pháp Montessori ở tuổi mầm non trước khi vào bước tiểu học sẽ được trình bày rõ với bạn đọc trong những chương viết về độ tuổi này. Những trẻ em “đã được chuẩn bị” này đã quen với việc nhận trách nhiệm cho những hành động của mình trong một cộng đồng gồm nhiều người khác, cũng như có khả năng khởi đầu và hoàn thành một công việc mà không cần giáo viên phải trực tiếp cầm tay chỉ bảo. Ngay từ ngày đầu tiên ở trường tiểu học, những em học sinh này đã sẵn sàng với việc mày mò và khám phá các giáo cụ Montessori, cùng với các bạn hoàn thành các bài tập dưới hình thức viết hoặc nói. Với những em khác chưa biết đọc, viết hay làm tính, các em sẽ dành những tháng đầu tiên ở trường để học những kỹ năng này. Các em có thể cũng phải cần đến sự hỗ trợ đặc biệt để đạt được khả năng tự quản và chung sống trách nhiệm với người khác, tùy thuộc vào những trải nghiệm trước đây của các em ở nhà, nhóm trẻ, trường mầm non hay các chương trình giáo dục tiểu học khác mà các em tham gia.
Một lời cảnh báo: Tên gọi “Montessori” là sở hữu công cộng. Nó có thể được dùng bởi bất kỳ ai, cho bất kỳ mục đích gì. Vì vậy, có những chương trình được gắn mác “Montessori” nhưng thực tế chỉ áp dụng phương pháp này rất hạn chế, thậm chí là hoàn toàn không. Do đó, việc các phụ huynh trực tiếp quan sát các lớp học là rất quan trọng để quyết định xem trường này có đạt được các tiêu chuẩn Montessori đích thực hay không.
Khi những phát hiện mới về sự phát triển của con người được đưa ra, đặc biệt là thông qua các nghiên cứu thần kinh hiện đại, những bổ sung hay thay đổi trong triết lý giáo dục Montessori cũng có thể xảy ra. Không một cá nhân nào có thể đưa ra tất cả câu trả lời cho một vấn đề, chưa kể đó lại là chủ đề phức tạp như chủ đề hỗ trợ sự phát triển của con người trong những năm tháng đi đến trưởng thành.
Trong cuốn sách này, tác giả mô tả những lớp học Montessori và những kinh nghiệm mà bà được dự phần. Hy vọng cuốn sách này sẽ giúp giải thích những ích lợi của triết lý giáo dục Montessori.